Bệnh nhân ung thư có thể rơi vào trầm cảm và có nguy cơ tự tử. Làm thế nào để nhận biết và phòng ngừa. Bài viết đăng trên trang của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kì.
KS Nguyễn Thị Mai Hương - BS Nguyễn Văn Hóa
Ung thư là một trải nghiệm nhiều cảm xúc và nỗi buồn là sự phản ứng về cảm xúc rất phổ biến khi được chẩn đoán mắc ung thư hoặc đối với rất nhiều sự kiện có thể xảy ra trong suốt quá trình điều trị ung thư. Tuy nhiên, điều gì khiến cho nỗi buồn thông thường trở thành sự trầm cảm lâm sàng? Hãy cùng tìm hiểu các dấu hiệu và hiểu tại sao sự giúp đỡ lại quan trọng. Hãy nhớ rằng, trầm cảm là bệnh chữa được, và bạn không phải đối mặt với nó một mình.
Đâu là các dấu hiệu của trầm cảm lâm sàng?
Nỗi buồn thông thường đến rồi sẽ đi. Trầm cảm lâm sàng thì dai dẳng hơn. Hãy tự hỏi bản thân bạn câu hỏi: “Có phải tôi buồn và khóc suốt ngày, mỗi ngày, trong suốt hai tuần trở lại đây?”. Nếu câu trả lời là có, hãy đi gặp nhân viên công tác xã hội, bác sỹ tâm lí, hay bác sỹ tâm thần học để được đánh giá về tình trạng trầm cảm lâm sàng.
Buồn bã liên tục trong suốt vài tuần là một dấu hiệu quan trọng của sự trầm cảm lâm sàng bởi vì nó báo hiệu rằng nỗi buồn của bạn không chỉ là một trạng thái cảm xúc thay đổi theo các sự kiện mỗi ngày, nó là sự rối loạn cảm xúc. Cụ thể, một số người mô tả đã trải qua “sự thiếu vui thích” hơn là sự buồn bã.
Một số dấu hiệu khác của sự trầm cảm lâm sàng bao gồm các vấn đề về giấc ngủ, sự mệt mỏi, chán ăn, đau, nhức, táo bón và kém tập trung. Tuy nhiên, bất kì một dấu nào kể trên đều có thể bị gây ra bởi ung thư, sự điều trị ung thư, hay các tác dụng phụ. Đó là lí do tại sao, ngoài cảm xúc buồn bã liên miên và kéo dài, bác sĩ còn tập trung vào các dấu hiệu khác dưới đây để giúp chẩn đoán trầm cảm lâm sàng đối với các bệnh nhân ung thư:
Tuyệt vọng. Chúng ta có thể cảm thấy tuyệt vọng khi đối diện với một sự chẩn đoán nghiêm trọng về tình trạng bệnh và có ít các lựa chọn điều trị. Tuy nhiên, khi nói về sự tuyệt vọng như là một dấu hiệu của trầm cảm lâm sàng, nó có nghĩa là sự mất hi vọng của bạn đối với những người thân yêu hoặc bạn có thể được thoải mái trong quá trình trải nghiệm căn bệnh ung thư này.
Cảm thấy vô dụng. Cảm thấy ít quan trọng hơn vì bạn không thể đi làm hay tham gia các hoạt động thể chất với các thành viên trong gia đình. Thay vào đó, là cảm giác mà toàn bộ cuộc sống của bạn mất đi ý nghĩa, sự quan trọng hay giá trị.
Tội lỗi. Tội lỗi như là một dấu hiệu của trầm cảm vượt ra ngoài cảm giác tội lỗi rằng vợ/chồng hay gia đình bạn bị gánh nặng về việc chăm sóc bạn hay các chi phí y tế. Một dấu hiệu trầm cảm, nó thường được miêu tả như là “ tôi là một kẻ tồi tệ, tôi xứng đáng bị ung thư như là một hình phạt”.
Ý nghĩ về việc tự tử. Bạn nghĩ rằng cuộc sống không còn đáng sống nữa hay suy nghĩ về kế hoạch tự làm đau hay giết chính mình. Đây là một dấu hiệu vô cùng nghiêm trọng của sự trầm cảm lâm sàng mà bạn không bao giờ nên giữ bí mật. Hãy nói với gia đình và bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu bạn đang trải qua những suy nghĩ trên.
Tại sao nhận biết trầm cảm lâm sàng lại quan trọng?
Nhận biết và chẩn đoán trầm cảm lâm sàng là vô cùng quan trọng bởi vì trầm cảm lâm sàng có thể chữa được, bất kể điều gì xảy ra với quá trình điều trị ung thư của bạn. Không phải ai mắc ung thư cũng bị trầm cảm lâm sàng, khoảng 15% đến 20% mắc trầm cảm lâm sàng. Trầm cảm có thể gây ra sự đau khổ, tuyệt vọng và kiệt quệ. Nó có thể gây gián đoạn bệnh nhân hoàn thành phác đồ điều trị. Các yếu tố đó có thể dẫn tới chất lượng cuộc sống và kết quả điều trị ung thư cũng kém đi.
Có phải bệnh nhân ung thư thì có nguy cơ tự tử cao hơn?
Đúng vậy. Bệnh nhân ung thư có nguy cơ tự tử cao hơn 2 đến 3 lần so với người không mắc bệnh. Không hiếm những suy nghĩ thoáng qua về việc tự tử khi đối mặt với những với giai đoạn cảm thấy quá tải hay bế tắc. Nhưng nếu bạn thường xuyên có những suy nghĩ về tự làm hại bản thân hay có kế hoạch để thực hiện điều đó, hãy nói với ai đó ngay. Có rất nhiều biện pháp thay thế để làm giảm sự đau khổ mà bạn có thể chưa nghĩ tới.
Ai có nguy cơ mắc trầm cảm lâm sàng?
Bệnh nhân ung thư có tiền sử bị trầm cảm lâm sàng hay gia đình có người mắc trầm cảm lâm sàng đều có nguy cơ cao về chứng rối loạn cảm xúc này. Trầm cảm lâm sàng có thể bị gây ra bởi các tác dụng phụ không kiểm soát được như là sự đau, mất ngủ, mệt mỏi và buồn nôn. Các biện pháp điều trị ung thư và các dược phẩm như steroids, đều có thể gây ra trầm cảm. Ngoài ra, các loại ung thư như ung thư phổi, tiền liệt tuyến và tụy thậm chí có nguy cơ mắc trầm cảm lâm sàng cao hơn.
Trầm cảm lâm sàng ở bệnh nhân ung thư được chữa trị như thế nào?
Trầm cảm lâm sàng ở bệnh nhân ung thư có thể được chữa khỏi giống như những người khác. Sự tư vấn hay các liệu pháp tâm lý của các nhân viên hoạt động xã hội hay chuyên gia tâm lí rất có ích cho vệc điều trị trầm cảm lâm sàng. Thuốc chống trầm cảm rất có tác dụng trong việc điều trị trầm cảm ở bệnh nhân ung thư. Nên phối hợp với các chuyên gia tâm thần học, những người có hiểu biết cụ thể về sự tương tác giữa thuốc chống trầm cảm và các loại dược phẩm mà bạn đang dùng để điều trị ung thư. Kết hợp liệu pháp tâm lí và thuốc chống trầm cảm sẽ cho tác dụng tốt hơn là dùng đơn độc một phương pháp điều trị.
Kiểm soát các cơn đau, ngủ đủ giấc, tập thể dục, ăn uống lành mạnh và sử dụng các kĩ thuật thư giãn chống mệt mỏi là các yếu tố vô cùng quan trọng trong việc điều trị trầm cảm cho bệnh nhân ung thư. Các biện pháp điều trị mới hơn đang được nghiên cứu bao gồm liệu pháp chiếu tia cực tím và công nghệ sử dụng sự kích thích từ tính và dòng điện nhẹ. Một số liệu pháp điều trị kết hợp như yoga, Tai Chi và tập thể dục cũng đang được nghiên cứu.