Ngoài các biến chứng chung của GMTT, GMTT trong sản khoa còn có một số biến chứng đáng chú ý là hít sặc phổi, đặt nội khí quản thất bại và tỉnh trong phẫu thuật.
PGS.TS Nguyễn Văn Minh
HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH GÂY MÊ CHO PHẪU THUẬT LẤY THAI (PHẦN 5)
6. CÁC BIẾN CHỨNG
Ngoài
các biến chứng chung của GMTT, GMTT trong sản khoa còn có một số biến chứng
đáng chú ý là hít sặc phổi, đặt nội khí quản thất bại và tỉnh trong phẫu thuật.
6.1. Hít sặc phổi
Các thành phần trong dạ dày đi vào đường hô hấp, chất
rắn có thể dẫn đến tắc nghẽn phế quản, chất lỏng gây ra tổn thương hóa học trên
cây phế quản và phế nang. Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của viêm phổi do hít phụ
thuộc vào: Bản chất hóa học, bản chất vật lý và thể tích của dịch hít sặc. Dịch
có pH < 2,5 gây ra một phản ứng bạch cầu tiếp tục sau giai đoạn cấp.
Nguyên tắc xử trí: Hút khí quản, nội soi phế quản ống
cứng trong trường hợp có các chất rắn lớn, xử trí giảm oxy máu bằng thở áp lực
dương liên tục (CPAP) ở BN không có ống NKQ.
Các phương pháp điều trị theo kinh nghiệm như: Sử dụng
corticosteroid, dùng thường quy kháng sinh dự phòng, rửa phổi bằng nước muối và
bicarbonate. Các điều trị này chưa được chứng minh có hiệu quả trong điều trị
hít sặc phổi qua bằng các nghiên cứu.
Xử trí ban đầu: Hút đường hô hấp trên sau đó đặt ống
NKQ và hút phế quản qua ống. Nội soi phế quản ống mềm nếu có để đánh giá mức độ
của hít sắc, có chất rắn hay không và hút bớt dịch hít sặc. Nội soi phế quản ống
cứng để loại bỏ các hạt thức ăn lớn gây tắc nghẽn đường thở. Rửa phổi với nước
muối hoặc bicarbonate không làm giảm tổn thương nhu mô phổi và có thể làm xấu
đi tình trạng giảm oxy máu.
Dùng kháng sinh nếu có bằng chứng hoặc nghi ngờ nhiễm
khuẩn (sốt, X - quang ngực tiến triển thêm, tăng bạch cầu, nhuộm gram đàm dương
tính, lâm sàng nặng lên).
Nếu hít sặc phổi < 48
giờ sau nhập viện, mục tiêu dùng kháng sinh hướng đến vi khuẩn gram dương (Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus
aureus) và một số vi khuẩn gram âm (Haemophilus
influenzae, Escherichia coli, Enterobacteriaceae). Nếu hít sặc phổi > 48 giờ sau nhập viện, chú
ý đến Pseudomonas aeruginosa.
Điều trị giảm oxy máu: Xuất tiết dịch vào phế nang,
giảm hoạt động của surfactant và xẹp phổi dẫn đến trong tăng shunt trong phổi, thiếu
oxy máu. Dùng CPAP ở BN thở tự nhiên hoặc cài đặt PEEP ở BN được thông khí cơ học. Dịch dạ dày khi vào phổi có thể dẫn đến kích hoạt
phản ứng viêm trong đường dẫn khí gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS),
khi đó điều trị theo hướng dẫn ARDS net.
Các nghiên cứu trên động vật và người không chứng
minh được tác dụng có lợi khi dùng corticoid cho viêm phổi do hít. Do đó, không
khuyến cáo sử dụng corticosteroid trong điều trị hít sặc phổi.
6.2. Đặt NKQ thất bại
Tỷ lệ đặt
NKQ thất bại trong PTLT là 1 : 433. BN mang thai có tỷ lệ đặt NKQ thất bại cao
gấp 8 lần so với BN bình thường.
Đánh giá
đường thở là bắt buộc trước khi tiến hành GMTT. Xem phụ lục 4. Bảng đánh giá đường thở trước gây mê toàn
thân.
Nếu BN có
dự đoán đường thở khó, xử trí theo lưu đồ đường thở khó dự đoán trước. Xem phụ
lục 5. Lưu đồ đường thở khó dự đoán trước.
Nếu đặt
NKQ thất bại. Xem phụ lục 6. Gây mê toàn
thân trong sản khoa và đặt nội khí quản thất bại.
6.3. Tỉnh trong phẫu thuật
PTLT có nguy cơ cao xảy ra tỉnh trong PT là tình trạng
BN tự nhớ các sự kiện, diễn biến xảy ra trong quá trình phẫu thuật dưới GMTT
toàn thân. Các yếu tố góp phần vào nguy cơ tỉnh trong phẫu thuật ở sản phụ khi
PTLT bao gồm: Tránh dùng thuốc an thần, sử dụng nồng độ thấp của thuốc mê hơi
halogen, sử dụng thuốc giãn cơ, giảm liều thuốc mê khi có hạ HA hoặc xuất huyết,
tình trạng phong bế trục TK một phần ở những BN chuyển sang GMTT sau khi thất bại
với gây tê trục TK, và nhầm lẫn rằng nhịp tim nhanh trong phẫu thuật là do sản
phụ có sẵn trương lực giao cảm cơ sở cao.
Một số tác giả đề nghị sử dụng liều các thuốc khởi
mê lớn hơn, duy trì nồng độ thuốc mê hơi > 0,7 MAC, sử dụng opioid và một loại
thuốc benzodiazepin sau khi lấy thai.
Kỹ thuật khởi mê TM hoặc duy trì mê bằng đường TM
có thể làm giảm nguy cơ tỉnh trong PT.